Giải Đáp Thắc Mắc Từ câu: 251-300

Tác Giả: Mục sư Trần Thái Sơn

50. Người yêu lý tưởng phải hội đủ những điều kiện gì? Trên nền tảng Kinh thánh, nhưng có pha lộn một chút 'thời nay,' có nguy hại gì không?
+ Trước hết, bạn cần phải biết một điều là Kinh thánh vẫn thích hiệp cho mọi thời đại, kể cả 'thời nay' (Mathiơ 5:18; I Phierơ 1:24-25).
+ Với lời Kinh thánh đó, Sáng 2:20b dạy về một người lý tưởng để bạn có thể yêu và tiến đến hôn nhân :





Biết giúp đỡ bạn.
Giống như bạn. Nghĩa là 2 người có thể cảm thông nhau, chia xẻ với nhau.
+ Dầu vậy, bạn cần nhớ:
Chữ LÝ TƯỞNG đã cho bạn câu trả lời: KHÔNG BAO GIỜ CÓ.
Muốn người khác cảm thông, chia xẻ, thì tự mình phải cảm thông, xẻ chia trước (Mathiơ 7:12).
Kinh thánh dạy bạn tìm một người yêu để làm VỢ, không phải tìm một người tình.
51. Tại sao quen bạn ngoài đời dễ hơn quen bạn trong Chúa, đặc biệt là đối với phái nữ? Quen bạn ngoài đời và trong Chúa bên nào tốt hơn? Tôi thấy ngoài đời cũng có nhiều người tốt lắm.
+ Ngoài đời hay trong Chúa, làm quen đều dễ cả, chỉ cần biết cách làm quen. Câu hỏi của bạn cho thấy bạn là một người nam, vì vậy khi muốn làm quen với bạn nữ, bạn cần tỏ ra lịch sự và tránh những cử chỉ, lời nói vội vàng.
+ Làm quen bên nào cũng tốt cả, miễn là mục đích tốt.
Nếu làm quen với bạn ngoài đời để giúp bạn mình tin Chúa thì tốt. Nhưng nếu để bị lôi cuốn vào thế gian thì I Côrinhtô 15:33 dạy bạn.
Nếu bạn làm quen với người trong Chúa để gây dựng đức tin anh em thì tốt. Nhưng nếu để lợi dụng vì tư lợi thì I Côrinhtô 13:4 dạy bạn.
+ Đồng ý là ngoài đời cũng có nhiều người tốt nhưng Kinh thánh cũng có những lời cảnh cáo: Mathiơ 7:13; II Côrinhtô 11:14-15 và câu chuyện Sáng 3:. Điều quan trọng bạn là một Cơ đốc nhân, bạn là một người bạn tốt hay xấu trước mặt người đời và người trong Chúa.
52. Lỡ yêu người ngoại đạo, thì có được tiến đến hôn nhân không?
+ Câu hỏi của bạn phải nói rõ là: 'Có được tiến đến hôn nhân trong Chúa không?' Kinh thánh nhiều lần cấm kết hôn với người ngoại đạo (Giôsuê 23:12-13; Exơra 9:1-2; II Côrinhtô 6:14). Một trong những lý do cấm là vì việc kết hôn như vậy sẽ khiến bạn lìa xa sự cứu rỗi.
+ Về mặt tổ chức của Hội thánh cũng không nhìn nhận cuộc hôn nhân nầy. Vì vậy, đề nghị bạn mau mau dứt khoát, hoặc trình bày cho các Mục sư, Truyền đạo cố vấn để xin giúp đỡ.
53. Một thiếu nữ Tin lành rất mến một thanh niên Công giáo. Nhưng gia đình cô không cho kết hôn với người khác đạo. Người thanh niên bảo: 'Không coi trọng hình thức tôn giáo, quan trọng là cùng thờ một Đấng Sáng tạo.' Nên giải quyết cách nào?
+ Câu nói của người thanh niên có 2 ý cần xét:
1.     Nếu thật lòng hiểu như vậy, tại sao anh ấy không chịu tin Chúa Giêxu và cùng thờ phượng Chúa theo như Kinh thánh dạy mà người Tin lành đang thờ phượng.
2.     Có thể chỉ là một câu nói để làm cho cô thiếu nư õtưởng là vấn đề đơn giản. Đó là câu nói của con rắn.
+ Cô thiếu nữ cũng không hiểu tại sao cô cần người yêu tin Chúa, mà chỉ thấy vấn đề tôn giáo nầy tôn giáo khác. Cô ấy đang ở trong sự nguy hiểm.

+ Điều chắc chắn là phụ huynh của cô ấy đã quyết định đúng, khi không cho con mình kết hôn với người ngoại đạo, vì:



Thương yêu con em mình, không muốn cô ấy khổ đời nầy và khổ cả đời sau nữa.
Thương yêu người thanh niên, muốn anh ấy thật được cứu, đi trong đường lối của Chúa và có một gia đình được Đức Chúa Trời ban phước.
+ Nếu anh ấy không đồng ý cùng đi trong một đức tin, thì cô không có lý do gì để tiếp tục yêu.
54. Có một người ngoại yêu một con cái Chúa, vì nhiệm vụ phải làm chứng, nhưng người đó lại chỉ muốn đến Hội thánh khi có người yêu hát. Vậy có nên tiếp tục làm chứng không?
+ Làm chứng là nhiệm vụ Cơ đốc nhân, cho nên phải tiếp tục làm chứng. Tuy nhiên, nếu bạn là người đang được người đó yêu thì nên giao lại người khác làm chứng, vì e bạn sẽ bị cám dỗ chăng? (I Giăng 2:15). Nếu bạn là người ngoài cuộc, thì bạn khéo léo nhấn mạnh Mathiơ 6: 33: Hãy tìm kiếm Chúa trước.
55. Sau khi kêu gọi mà người bạn ấy không chịu tin Chúa, thì giải quyết cách nào?
+ Tại sao người ấy không tin?
·         Vì chưa hiểu? Hãy giải thích thêm hoặc xem lại cách làm chứng của bạn.
·         Vì cứng lòng? Nên dứt khoát một lần.
·         Vì mặc cảm, e ngại? Nên khích lệ.
+ Tốt nhất, bạn nên nhờ một người tín đồ đi với bạn. Nếu cuối cùng vẫn không tin, thì bạn áp dụng II Côrinhtô 6: 17.
56. Cứ tiếp tục yêu, lấy nhau, rồi dẫn dắt chồng mình tin Chúa, như vậy được không?
+ Bạn đang đùa giỡn với sự chết đời đời đấy! Và bạn đang bước vào những ngày khó khăn.
·         Khó trong lễ cưới (II Côrinhtô 6:14): Hội thánh không nhìn nhận, anh em trong Chúa sẽ không dự được ngày cưới của bạn.
·         Bạn đang làm vấp phạm anh em: I Côrinhtô 8:9-12; Rôma 14:20 là lời cảnh cáo cho bạn, một miếng ăn mà còn quan trọng như thế, huống chi việc kết hôn của bạn là lâu dài.
·         Bạn không có một bảo đảm dẫn dắt được người đó. Kinh nghiệm cho thấy thường là trái lại.
+ Đề nghị bạn đừng tiếp tục, hãy để Chúa chinh phục người đó trước khi bạn chinh phục.
57. Khi con cái yêu người ngoại (tín đồ sa ngã). Xin cho biết cách giải quyết?
+ Một tín đồ sa ngã thì càng phải cẩn thận hơn.
+ Về phương diện đức tin, nên khuyên người đó ăn năn, trở lại với Chúa
+ Về phương diện con cái trong nhà :
·         Giải thích những điều nguy hiểm, những cái khó cho con cái hiểu.
·         Cương quyết không chủ hôn, nếu không theo sự dạy dỗ của Chúa.
·         Nếu con cái chưa hiểu, hãy khuyên cho đối tượng ăn năn trước. Trong khi chờ đợi, nên hạn chế gặp nhau.
·         Tỏ cho Mục sư, Truyền đạo cố vấn biết để hiệp lại tìm cách giải quyết.
58. Một người quen với một bạn trai. Người bạn trai tin Chúa khi biết người bạn gái là người Tin lành. Sau một thời gian thì không đi nhóm nữa, vì ĐÒI HỎI NGƯỜI BẠN GÁI CHĂM SÓC. Người bạn gái thấy người kia có tình cảm với mình thì lánh dần, khiến cho người bạn trai không đi nhóm. Như vậy, phải làm thế nào để không gây vấp phạm cho người khác? Chăm sóc thì tình cảm càng nặng, không chăm sóc thì người đó bỏ nhóm?
+ Trước nhất chúng ta phải rút kinh nghiệm về việc nầy :
1.     Khi hướng dẫn một người cầu nguyện tin Chúa, thì phải giải thích rõ: 'Tại sao bạn cần phải tin Chúa?'
2.     Sau khi người nầy tin Chúa, phải nhờ một người cùng phái để chăm sóc. Câu hỏi của bạn cho thấy lỗi lầm là đã để người bạn gái chăm sóc một thời gian.
+ Điều thứ hai giải quyết là phương diện tình cảm :
1.     Tại sao người bạn gái này từ chối, từ chối một tình yêu của Cơ đốc nhân (vì tuổi tác, gia cảnh, học thức . . .)? Nếu không thấy gì trở ngại, nên đặt vấn đề gia đình lên tiếng.
2.     Trường hợp trở ngại, thì giải thích rõ ràng một lần về nhu cầu tin Chúa và lý do không nhận lời về tình cảm.
59. Nếu người bạn tin Chúa rồi, mà chưa chịu báptem thì có kết hôn được không? Sau khi kết hôn rồi chịu phép báptem được không?
+ Luật Hội thánh là chỉ cử hành lễ Hôn phối TRONG NHÀ THỜ cho người chịu báptem rồi. Trường hợp chưa chịu báptem (nhưng đã tin) thì có thể tổ chức tại tư gia.
+ Nhưng để chịu báptem thì đâu có sự khó khăn nào? Bạn nên khuyến khích người đó sốt sắng học hỏi để hiểu biết Lời Chúa (đây là điều có ích lợi cho cả hai) và chờ chịu báptem.
+ Điều quan trọng mà bạn phải nhớ là Hội thánh không cử hành hôn lễ cho người đánh mất sự thánh khiết của tình yêu.
60. Tôi có một người bạn trước kia chưa tin Chúa, nhưng nay đã chịu báptem. Từ đó trong chúng tôi có một tình yêu trong Chúa. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa hiểu nhau hết, vậy chúng tôi phải làm gì?
+ Bạn không phải làm gì cả! Bạn chưa hiểu nhau mà lại vội yêu nhau, thì thật là vô lý. Tôi cũng không biết bạn tìm hiểu để làm gì? Nếu để tiến đến hôn nhân, thì khuyên bạn :
·         Nên tìm hiểu chính mình chứ không phải chỉ lo hiểu người.
·         Không khi nào bạn hiểu rõ, chính xác khi bạn đã yêu.
·         Bạn sẽ không bao giờ hiểu hết.
Vấn đề của bạn bây giờ nếu muốn nghĩ đến tình yêu và hôn nhân thì bạn phải hiểu :
·         Đã đến tuổi chưa? Sự nghiệp đến đâu?
·         Gia đình bạn có ý kiến gì? Có giữ mình trong sự thánh khiết không?
Ngay bây giờ, nên tránh tiếp xúc nhiều quá trước khi có một quyết định dứt khoát và chưa đến ngày cưới.
61. Sau một năm tìm hiểu, rồi có sự thay đổi về việc làm (kinh tế, cuộc sống), thì đối tượng có sự lạnh nhạt. Phải có thái độ nào?
+ Bạn đừng vội vàng cho rằng vì thay đổi cuộc sống kinh tế mà đối tượng lạnh nhạt, có khi tại bạn mặc cảm.
+ Sự lạnh nhạt có thể do :
·         Một lỗi lầm của bạn.
·         Một nguyên nhân khác từ đối tượng (sức khỏe, việc gia đình . . .)
·         Cũng có thể đó là một thái độ cùng cảm thông hoàn cảnh của bạn.
+ Nếu thật vì bạn nghèo mà lạnh nhạt khinh bạn, vì họ tự kiêu họ giàu thì bạn hãy cảm tạ Chúa, Ngài đã cho bạn biết trước một đối tượng không xứng đáng. Tuy nhiên, bạn nên bình tỉnh và âm thầm tìm hiểu.
62. Khi tình cảm chớm nở, mà một người sắp đi Tây, một người sắp đi Tàu. Có nên chịu thua hoàn cảnh không?
+ Có hai trường hợp :
1.     Nếu cá nhân có quyền quyết định thì có thể chọn hoặc ở lại hoặc ra đi.
2.     Nếu gia đình giữ quyền quyết định, thì phải xin ý kiến gia đình. Khi đã có quyết định  thì đừng bao giờ hối tiếc. Với người ở lại tôi có lời khuyên :
·         Vì sẽ có nhiều điều khó khăn hầu như không thể giải quyết được, nên bạn cần tránh yêu người sắp đi.
·         Tình yêu cần có sự hy sinh, vì hy sinh chứng minh tình yêu. Người ra đi không hy sinh được cho bạn. Ngược lại, bạn không hy sinh được cho người đi, thì bạn cũng chưa thật yêu. Thế thì không cần buồn.
63. Trường hợp một người đi xa đã lâu, không nhận được tin. Giải quyết vấn đề nầy cách nào?
+ Bạn còn muốn giải quyết cách nào nữa hơn là trở lại con số không (0)? Điều có thể làm là nhờ một người thân của người đó tìm tin tức. Dầu sao sự yên lặng đó cũng đã trả lời :
·         Người đó không còn.
·         Người đó không còn nhớ đến bạn.
64. Chúa yêu ta đến nỗi ghen tương. Vậy hai Cơ đốc nhân yêu nhau có quyền ghen không?
+ Ghen là một trạng thái tình cảm của con người, khi thấy người khác chiếm lấy vật sở hữu của mình. Nhưng từ cái ghen đó phát xuất ra hành động có xứng với tình yêu thương không? Hay đưa đến ghen GHÉT, hay ghen TỊ.
+ Chúa yêu chúng ta và Ngài không muốn chúng ta thuộc về thế gian hay ma quỉ (Gia 4:5b; Giăng 10:29). Đặc điểm của Chúa là Ngài càng ghen thì Ngài càng yêu chúng ta.
+ Từ gương mẫu đó, Cơ đốc nhân yêu nhau có những lúc ghen nhưng phải bày tỏ ghen vì yêu, không phải ghen vì ghét.
65. Người tôi yêu thì không yêu tôi, người tôi không yêu lại rất yêu tôi. Đó có phải là ý Chúa không? Tôi phải học yêu người mà tôi không yêu sao?
+ Ý Chúa không phải là yêu bạn hay bạn yêu, mà ý Chúa là người đó đã tin Chúa chưa? (II Côrinhtô 6:14). Sau đó bạn nên bình tỉnh xét 2 điều :
1.     Tại sao người đó không yêu bạn? Bạn có thể khắc phục những khuyết điểm đó không? Hay người đó có vấn đề cá nhân (có người yêu rồi . . .)
2.     Tại sao bạn không yêu được người yêu bạn? Tại bạn có thành kiến hay tại bạn không để ý?
+ Nếu suy tính cách khôn ngoan, thì tôi đề nghị bạn chọn con đường bình an, hãy chọn người yêu bạn thì hạnh phúc bảo đảm. Ca dao Việt Nam có câu :

Thùng thùng cắt cắt.

Chim đậu sao anh không bắt, lại bắt chim bay?
66. Ở các Hội thánh, nữ nhiều hơn nam, vậy chúng tôi phải làm sao?
+ Đây là vấn đề toàn thế giới. Thống kê cho biết có 52% dân số thế giới là nữ. Cho nên bạn đừng bối rối nhảy ra ngoài.
+ Tuy nhiên, tôi chưa thấy một người nào muốn lập gia đình mà đến chết vẫn ở vậy. Bạn hãy đọc 2 quyển truyện: 'Chí Phèo' của Nam Cao và 'Baraba' của Par Fabran Lagerkvist, nói đến 2 người phụ nữ xấu xí, tàn tật, nhưng vẫn có chồng và được thương yêu.
67. Em muốn tỏ tình yêu, nhưng ngại một điều em là con gái. Con gái có quyền tỏ tình yêu không?
+ Mọi người đều có thể tỏ tình yêu của mình, con gái con trai cũng vậy. Nhưng con gái thì kín đáo hơn để không bị khinh. Phần đông trong tình yêu là do con trai chủ động.
+ Bạn là con gái, cách của bạn phải thầm kín, đừng bao giờ công khai lên tiếng. Một sự chú ý giúp một việc nhỏ của con gái, một nụ cười, nhờ người con trai giúp cho một việc . . . Người con trai nào mà bạn yêu sẽ hiểu được. Nếu anh ấy không hiểu, đó là người ngu, đừng thèm yêu họ. Nếu hiểu mà dè dặt, thì có nguyên nhân, nên bình tỉnh dò xét. Nếu hiểu mà vội vàng lao tới, hãy coi chừng họ lợi dụng.
68. Cơ đốc nhân thất tình rất đau khổ, nhất là phái nữ. Tại sao? Và làm sao để tránh?
+ Đau khổ vì thất tình là chuyện dĩ nhiên, vì nó đụng đến tình cảm của con người. Nam hay nữ cũng đau khổ như nhau. Người nữ khổ nhiều nhưng mau quên, người nam khổ ít nhưng lâu phai mờ, sẽ kéo dài. Thất tình là do bạn chủ quan theo ý người, không vâng lời Chúa, đuổi theo đối tượng bạn thích, không phải bạn cần. Thất tình cũng do hoàn cảnh chung quanh, do người thân hay điều kiện sinh sống ngăn trở. Thất tình đôi khi cũng do bạn không biết đối xử. Nói chung, hoàn toàn do chính bạn gây ra cho bạn thất tình.
Bạn theo ý riêng, bạn không tiên liệu hoàn cảnh chung quanh và bạn không biết cách xử sự. Bạn hãy làm ngược lại tất cả các khuyết điểm trên của bạn, bạn sẽ không còn sợ bị thất tình đâu.
69. Tôi yêu một cô gái lớn hơn tôi 2 tuổi. Có gì ngăn trở hạnh phúc sau nầy không? Gia đình tôi không ưa vì cô gái ấy lớn tuổi hơn tôi.
+ Sự chênh lệch tuổi tác cũng là vấn đề cần lưu ý trong hôn nhân. Chênh lệch nhiều quá sẽ gây khó khăn xử sự với nhau và người nữ bao giờ cũng dễ hiện nét già trước tuổi. Tuy nhiên, chênh lệch 2 tuổi chưa có gì đáng để tâm.
+ Về phần gia đình, bạn khéo léo giải thích; và cô gái ấy cũng cần biết xử sự với gia đình để tạo sự vui vẻ và hoan nghinh. Tôi tin rằng với số tuổi đó, cô gái nầy sẽ tạo được sự cảm thông của gia đình bạn.
70. Con cái Chúa yêu nhau có phải thông qua ý kiến của cha mẹ đôi bên không (trường hợp cha mẹ một bên không tin Chúa)?
+ Vì bạn là con cái Chúa, mà Kinh thánh dạy: "Phải hiếu kính cha mẹ," nên bạn phải cho cha me biết. Có gì trở ngại, bạn nên nhẫn nại giải thích. Nếu ý kiến cha mẹ đúng, bạn nên vâng lời. Nếu ý kiến cha mẹ chưa tin Chúa có gì trái với đức tin, thì bạn nhờ ơn Chúa cầu nguyện, giải thích và chờ đợi.
71. Tôi có yêu một bạn nữ trong Hội thánh. Chúng tôi đã tỏ cho gia đình biết (hai bên). Gia đình người đó (người ngoại) bằng lòng, nhưng gia đình tôi không bằng lòng. Vậy chúng tôi phải giải quyết cách nào? Có nên nhờ Mục sư, Truyền đạo, Ban Trị sự Hội thánh, Ban thanh niên giúp đỡ không? Những người đó có trách nhiệm giúp đỡ không? Lý do gia đình không đồng ý vì không cảm thông với quá khứ của bạn gái tôi.
+ Tôi hoan nghinh ý kiến của 2 bạn là đã tìm một người trong Chúa và đã cho gia đình biết ý định kết hôn.
Trở ngại xảy ra có thể có nhiều nguyên nhân ngoài nguyên nhân mà bạn đã nói và bạn đã có ý đúng muốn nhờ Mục sư, Truyền đạo hoặc anh em trong Hội thánh giúp sức. Bạn nên nhờ tất cả những vị đó giúp trình bày với gia đình. Riêng bạn hãy cứ cầu nguyện và sẵn sàng đầu phục ý Chúa. Đối với gia đình, cần nhẫn nại và đầy tình thương yêu để giải thích. Có khi tại bạn trình bày không rõ hoặc cách bạn trình bày khiến gia đình hiểu lầm mà buồn.
72. Khi cầu nguyện, Chúa cảm động 2 người là tốt đẹp. Nhưng Chúa không cảm động gia đình. Vậy thái độ của tôi đối với sự ngăn trở đó như thế nào?
+ Câu hỏi của bạn làm tôi thắc mắc 2 điều:
1.     Tại sao bạn biết Chúa cảm động 2 người? Và là tốt đẹp?
2.     Tại sao bạn tin rằng Chúa cảm động 2 người mà không cảm động gia đình được?
+ Bạn nên dùng Kinh thánh đo lại sự cảm thông của 2 người. Nếu đúng, bạn nên tiếp tục cầu nguyện cho gia đình, nếu cần nhờ người khác hoặc chính mình giải thích cho gia đình hiểu.
+ Bạn cần có thái độ tin cậy Chúa và chờ đợi Chúa.
+ Đối với gia đình, bạn giải thích và làm cho gia đình vui nhận.
73. Gia đình không tin Chúa, khi đến hôn nhân phải theo tập tục của gia đình. Như vậy có tội với Chúa không?
+ Trước mắt là 2 bạn tạm thời hoãn lại lễ cưới, cầu nguyện nhiều với Chúa, tin rằng không có việc gì mà Chúa không làm được (Sáng 18:14; Luca 1:37).
+ Về phần gia đình, bạn nhờ người hoặc chính bạn giải thích cho gia đình hiểu là 2 bạn tin Chúa rồi, xin miễn cho 2 bạn những việc gì trái với đức tin (cúng lạy). Tôi nhấn mạnh là chỉ XIN thôi, đừng công kích gì cả. Nhờ ơn Chúa, 2 bạn hãy chờ đợi gia đình cho phép miễn những tập tục trái với đức tin, cũng đừng làm cho gia đình hiểu lầm là hôn lễ không có nghi thức theo phong tục dân tộc.
74. Trước khi tiến đến hôn nhân, nam nữ phải làm gì để trang bị?
+ Có 2 phương diện để chuẩn bị:
(1)    Sức khỏe :
·         Cơ thể có đủ tuổi phát triển (nữ trên 18, nam trên 20).
·         Cơ thể có đủ khỏe mạnh.
·         Đời sống thuộc linh đủ để hòa hiệp và đối diện khó khăn.
(2)    Hiểu biết hôn nhân :
·         Hiểu biết mục đích của hôn nhân là để kết hiệp hầu việc Chúa và gây dựng cho nhau.
·         Hiểu biết cách xử sự giữa vợ chồng.
75. Nếu một người nam chưa có việc làm ổn định (nghĩa là hiện tại thu nhập thấp, không lâu dài . . .) có nên lấy vợ không?
+ Bạn có thể CHƯA nên lấy vợ, vì bạn chưa hiểu có một người vợ để làm gì. Hãy đọc lại Sáng 2:18, 20; Châm 18:20.
+ Nếu bạn lấy một người vợ để cùng chia xẻ những khó khăn với tình yêu thương và cùng làm việc thì bạn nên lấy vợ (Truyền đạo 4:9).
+ Nếu bạn có vợ với mục đích khác với mục đích trên thì bạn đang quan tâm đến vấn đề tài chính.
76. Làm thế nào để có thể đủ mọi mặt lo một đám cưới?
+ Chữ 'đủ' của bạn phải có giới hạn. I Timôthê 6:8-9 dạy chúng ta thỏa lòng trong vị trí của chúng ta. Bạn đừng nghĩ đám cưới phải được như thế nầy như thế kia. Tục ngữ có câu: 'Liệu cơm gắp mắm.'
+ Bạn nên cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ. Rồi 2 người cùng chung lại bàn tính theo khả năng mình có. Có thể gia thêm một ít. Đừng bao giờ mượn tiền làm đám cưới.
Nếu bạn khéo léo xếp đặt thì đám cưới của bạn sẽ không thiếu tiền và thiếu vui đâu.
77. Vấn đề kinh tế trong hôn nhân quan trọng như thế nào?
+ Vấn đề kinh tế là một trong những yếu tố sẽ góp phần hạnh phúc gia đình. Nhưng I Côrinhtô 13:7 dạy "Tình yêu thương trông cậy mọi sự," và I Giăng 4:18 "Trong tình yêu không có sự sợ hãi."
+ Nếu 2 vợ chồng cùng ý thức, cùng đồng vợ đồng chồng thì tát biển Đông cũng cạn. Vấn đề kinh tế sẽ trở nên dễ dàng.
+ Không thể tách rời kinh tế khỏi tình yêu và hôn nhân. Nhưng tình yêu chân thật sẽ giải quyết được kinh tế, chỉ sợ thứ tình yêu không chân thật.
78. Vấn đề tính dục phải như thế nào trong hôn nhân để có một gia đình hạnh phúc?
+ Galati 5:22 dạy TIẾT ĐỘ nghĩa là không thể thiếu (I Côrinhtô 7:5). Nhiều người đã bỏ quên yếu tố nầy trong hạnh phúc gia đình. Đó là một sự sai lầm.
+ Hêbơrơ 13:4 dạy "Không được phóng túng, phung phí" - Vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và tạo ra những gánh nặng cho gia đình như đông con, bệnh tật, đưa đến những sứt mẻ trong hạnh phúc gia đình.
79. Cơ đốc nhân khi đi chơi với nhau nên tránh thái độ nào? Có nên nắm tay, hôn nhau không? Sự biểu lộ tình cảm đó có thể thực hiện khi nào?
+ Trước khi nói đến thái độ, bạn nên quan tâm đến địa điểm, vì địa điểm sẽ tạo điều kiện cho thái độ.
+ Tuyệt đối không đi với nhau trong chỗ vắng, bóng tối. Phải tìm nơi có người qua lại hoặc có phụ huynh.
+ Về thái độ, cần có thái độ nghiêm chỉnh, nói những lời nghiêm chỉnh để người yêu bạn sẽ đánh giá cao về bạn. Nhất là nếu bạn là phái nữ. Hãy giúp người yêu tránh những cảm xúc nhục dục. Một cái nắm tay không quan trọng, nhưng một cái hôn là quan trọng. Nếu một cái nắm tay để tiến đến một cái hôn, thì đó là cám dỗ. Cái hôn hãy để dành cho ngày cưới, bạn ạ. Lúc ấy bạn sẽ thấy hương vị trọn vẹn của nụ hôn.
80. Phá thai có phải là tội không? Cơ đốc nhân có thể làm như vậy không?
+ Không cần phải đi vào quan điểm Cơ đốc giáo, chỉ trên phương diện nhân đạo, chúng ta cũng không chấp nhận được. Vì việc phá thai, sẽ đưa đến tình trạng nghiêm trọng hơn việc sanh đứa con: Tác động tâm lý sản phụ, biến chứng phụ khoa, đưa đến hậu quả vô sinh. Về mặt xã hội sẽ đưa đến vấn đề phóng túng tình dục.
Do đó, phá thai để tự do luyến ái, phóng túng tình dục, thì chúng ta thấy đời nầy còn không chấp nhận được huống chi trong Chúa.
+ Đôi khi để cứu người mẹ, y bác sĩ bắt buộc phải có quyết định phá thai, trường hợp đó tôi nghĩ ai cũng chấp nhận.
+ Nếu bạn sợ có con, thì bạn nên ngừa thai hơn là chờ phá thai. Phá thai là đùa giỡn với sự chết và hạnh phúc gia đình.
81. Tôi biết con cái là cơ nghiệp Chúa cho. Nhưng nhiều quá tôi nuôi không nổi. Vậy muốn kế hoạch hóa gia đình mà không nghịch ý Chúa, thì phải làm sao?
+ Bạn đừng mặc cảm nuôi không nổi. Thật ra cũng không khủng khiếp như bạn nghĩ đâu. Sự mặc cảm đó khiến bạn vơi đi tình yêu với chồng (hay vợ) và con cái. Có những người nghèo vẫn nuôi con đông được. Bạn có thể nói tại đông con nên nghèo, nhưng có những người đông con vẫn giàu vậy. Tôi khuyên bạn nên bỏ mặc cảm.
+ Vấn đề kế hoạch hóa gia đình có nhiều cách :
·         Hoặc bạn tiết độ, giữ khoảng cách sanh con, tránh ngày thụ thai.
·         Hoặc bạn đến trạm Y tế nhờ hướng dẫn kế hoạch, miễn là kế hoạch đó không giết thai nhi.
Vấn đề không phải là kế hoạch hay không, mà bạn giữ làm sao để cuộc sống vợ chồng thoải mái, tự do, đừng bị tâm trạng nào đe dọa.
82. Nhà nước bảo Mọi gia đình chỉ nên 2 con. Tôi lại thích 4 con. Phải làm sao?
+ Vấn đề 2 con là yêu cầu chung giúp thế giới đối phó với nạn nhân mãn và nghèo khó trong các nước thứ ba, chậm phát triển như Việt Nam . . . Nhưng chương trình nầy mang tính chất tuyên truyền gây ý thức, chứ không cưỡng bách. Nếu bạn có 2 con đúng tiêu chuẩn, rồi săn sóc dạy dỗ tốt, thì vẫn hơn.
Còn việc bạn có 4 con, không ai cấm bạn, nhưng bạn phải lưu ý:
·         Bạn muốn có được 4 con mà có 4 con không? Vì bạn đâu phải là Chúa (Sáng 30:1-2)
·         4 con của bạn có mạnh khỏe không?
·         Có 4 con, nhưng bạn dạy con có tốt không?
Dầu sao tôi hy vọng bạn chỉ có 4 con thôi.
83. Thụ thai nhân tạo có hiệp với Kinh thánh không? Tốt hay xấu?
+ Bạn hiểu thụ thai nhân tạo là gì?
Không phải là con người dùng máy móc điện tử hay là một loại hóa chất nào để làm nên con người. Thụ thai nhân tạo là các bác sĩ lấy tinh trùng của người nam cho kết hiệp với trứng của một người nữ trong ống nghiệm. Hai yếu tố tinh trùng và trứng là 2 yếu tố sự sống có sẵn mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người. Chữ 'nhân tạo' không có nghĩa là con người làm ra, mà con người cho thụ thai bên ngoài con người, rồi lại ký gởi vào lòng người mẹ.
Tuy nhiên bạn phải nhớ là con người khác con vật ở chỗ con người kết hiệp không phải chỉ vì nhu cần truyền thống mà vì yêu thương nhau. Sở dĩ vợ chồng  muốn có một đứa con là vì họ muốn kết chặt tình yêu của họ.
Điều tôi lấy làm lạ là con người làm được một việc bình thường mà bạn cho là phi thường, rồi bạn tin và tôn sùng. Còn Đức Chúa Trời làm cho bạn biết bao nhiêu việc phi thường mà bạn không chịu tin Ngài.
+ Tốt hay xấu :
Thế giới ngày nay đang đối phó với nạn nhân mãn, vấn đề thêm người là thêm mối lo. Cho nên việc thụ thai nhân tạo chỉ là một thí nghiệm và áp dụng trong trường hợp vợ chồng không thể có con. Như đã nói, mục đích vợ chồng không phải chỉ để sanh con thôi mà là nhu cầu tình yêu. Vì vậy, phương pháp này không thay thế cuộc sống vợ chồng được. Do đó mà bạn thấy con người vẫn tiếp tục cưới gã.
84. Muốn dạy cho con tốt từ thuở thơ ấu, nên bắt đầu như thế nào?
+ II Timôthê 1:3-5 cho chúng ta 3 cách dạy con tốt nhất:
1.     Cầu nguyện cho con: câu 3, Cầu nguyện cho con là cách dạy con lúc chưa sinh ra (I Samuên 1:10-12) và cầu nguyện liên tục.
2.     Thăm con: câu 4, nghĩa là quan tâm đến con, vui buồn, thể xác, thuộc linh và thân mật với con bằng cách chơi với con. Tình yêu thương sẽ làm cho đứa trẻ thông minh hơn.
3.     Làm gương cho con: câu 5, Cha mẹ làm gương cho con bằng đời sống đức tin và sự hòa thuận của cha mẹ.
85. Trong gia đình không có sự hiệp một, thì phải làm sao?
+ Tội lỗi bao giờ cũng là nguyên nhân khiến cho chúng ta không hiệp một trong Hội thánh cũng như gia đình.  Êphêsô 4:25-29 là một vài thứ tội lỗi phá hủy sự hiệp một.
+ Nên tìm biết nguyên nhân, nhưng không phải để định tội một người nào mà chính bạn phải hạ mình chịu hiệp một trước.
Bạn thử nghiệm trước sẽ thấy hiệu nghiệm.
86. Vợ chồng tôi tin Chúa lâu năm, nhưng bây giờ chồng tôi yếu đuối, bắt đầu hút thuốc, cờ bạc, không đi làm lại lấy tiền công của tôi để mua những thứ đó. Tôi có nên vâng lời không?
+ Điều mà bà phải làm là:
1.     Cầu nguyện cho chồng, khẩn thiết xin Chúa cứu người chồng ra khỏi tội lỗi.
2.     Dùng lời êm dịu khuyên giải và khéo léo hạn chế sự phung phí.
3.     Tìm biết lý do yếu đuối để xin Hội thánh giúp đỡ .
+ I Phierơ 3:1-2 dạy khuyên là bà đừng bao giờ để bị cám dỗ yếu đuối theo, hoặc giận mà dùng lời xẳng xớm với chồng. Tôi tin rằng, bởi sự yêu thương thể hiện qua cách sống thanh sạch, bà sẽ cảm hóa chồng.
87. Muốn giữ được hạnh phúc, vợ chồng phải như thế nào theo Lời Chúa?
+ I Côrinhtô 7:3-4 là gồm tóm cách xử sự của vợ và chồng:
·         Người chồng: Phải làm hết bổn phận (không phải làm trọn) đối với vợ. Không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là nhường cho vợ.
·         Người vợ: Phải làm hết bổn phận đối với chồng (không phải làm trọn). Không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là nhường cho chồng.
+ Bạn có thấy một trật tự hòa hiệp. Muốn được như vậy, thì vợ chồng phải học Êphêsô 5: 33 "CHỒNG PHẢI YÊU VỢ - VỢ PHẢI KÍNH CHỒNG," nghĩa là người chồng làm những điều Chúa dạy trong I Côrinhtô 7:3-4 là vì YÊU VỢ, còn vợ làm những điều đó vì KÍNH CHỒNG.
+ Bạn nên đọc kỹ lại Châm ngôn 18:22; 19:14. Kinh thánh xác nhận là MỘT người vợ, chỉ một người vợ. Trong Sáng 2:22, Đức Chúa Trời cũng dựng nên MỘT người nữ cho Ađam.
Vì vậy, Chúa cho và chỉ ban cho bạn MỘT người vợ. Người xưa dạy: 'MỘT vợ nằm giường lèo, HAI vợ nằm chuồng heo, BA vợ nằm chèo queo.'
89. Cơ đốc nhân có phép hủy bỏ việc hôn ước không? Xin dùng Kinh thánh giải thích?
+ Mathiơ 5:32; 19:8 Chúa không cho hủy giao ước hôn nhân (ly hôn). Do đó trong điều kiện pháp lý, Hội thánh công nhận hủy bỏ hôn ước khi chính quyền cho phép.
+ Nhưng tại sao bạn lại hủy hôn ước? Nếu vì cảm giác vui buồn, vì tiền bạc, vì người chung quanh . . . thì bạn đã đi sai Lời Chúa, tôi muốn nói là bạn phạm tội. Còn nếu vì lý do vượt quá khả năng giải quyết của con người: Bệnh truyền nhiễm, nan y, thì quyết định của bạn dễ cảm thông (thời kỳ đính hôn). Nếu đã là vợ chồng, thì dầu đau yếu cũng không được xa nhau.
90. Có được ở độc thân không? Vì thấy lập gia đình có nhiều khó khăn: chẳng hạn như gây gỗ.
+ Theo như Mathiơ 19:11-12 Đức Chúa Giêxu giải thích việc ở độc thân là một sự kêu gọi đặc biệt của Đức Chúa Trời. Nhưng I Côrinhtô 7:9 Kinh thánh cũng khuyên nếu giữ mình không được thì nên lập gia đình để tránh cám dỗ. Còn nếu sợ lập gia đình sẽ có nhiều khó khăn . . . đó không phải là sự kêu gọi sống độc thân.
+ Điều chắc chắn, khi có gia đình thì cũng có những lúc bất hòa nhưng biết cách giải hòa thì lại tăng thêm tình yêu.
Sáng 2:18 xác nhận Đức Chúa Trời không thiết lập gia đình để con người gây gỗ hay khó khăn, nhưng là để giúp con người sống tốt đẹp hơn.
91. Hôn nhân do Đức Chúa Trời sáng lập tốt đẹp. Tại sao Phaolô lại khuyến khích ở độc thân trong I Côrinhtô 7?
+ Bạn phải nhớ I Côrinhtô 7 có tất cả 40 câu, ít ra cũng có 2 câu 1 và 2. Sao bạn đọc câu 1 mà không đọc câu 2?
Vì điều kiện cá nhân của Phaolô phải lưu hành truyền đạo, nên ông muốn ở độc thân. Nhưng bạn phải nhớ là Phaolô ở độc thân vẫn giữ được sự thánh khiết, không ai dị nghị về việc tình cảm của ông. Đó là điều kiện phải học. Do đó đến I Côrinhtô 7:2 Phaolô khuyên nên lập gia đình.
91. Vai trò và trách nhiệm của Mục sư, Truyền đạo: Cố vấn, có cần làm người mai mối không?
+ Chức vụ Mục sư, Truyền đạo bao gồm nhiều công tác, trong đó có vấn đề hôn nhân. Rất tiếc ở Việt Nam, Hội thánh chưa có người đảm nhiệm chính thức chức vụ Cố vấn Hôn nhân và văn phòng Cố vấn Hôn nhân - đó là sự thiếu sót. Hy vọng sẽ được sửa lại.
+ Trong trách nhiệm Cố vấn, Mục sư, Truyền đạo cũng có thể đóng vai trò trung gian giới thiệu (mai mối). Tuy nhiên, không phải chỉ Mục sư, Truyền đạo làm được, mà phụ huynh trong Hội thánh nên giúp đỡ nhẹ nhàng, tế nhị trong việc nầy.
III. CHỨNG ĐẠO
93. Người ta cho rằng mình giảng Tin lành cho mọi người là lôi kéo người khác về đạo?
+ Bạn đã xác nhận 'Chúng ta giảng TIN LÀNH', bạn có một tin tức tốt lành ấy là sự giải cứu cho nhân loại khỏi tội lỗi bởi Đức Chúa Giêxu. Bạn có một tin vui há không báo cho người khác biết sao?
·         II Vua 7:9 Những người phung nầy biết rõ, nếu họ không báo Tin lành thì chính mình bị hình phạt trước.
·         II Phierơ 3:9 Đức Chúa Trời muốn mỗi người nghe Tin lành để được cứu.
·         Châm 24:11 Giảng Tin lành là công việc giải cứu người bị đưa đến sự chết. Bạn há không làm sao?
+ Tuy nhiên, bạn dùng chữ LÔI KÉO thì không đúng. Tôi chưa thấy ai đi giảng Tin lành mà lôi kéo người, ép người hoặc dùng quyền lợi gì dụ dỗ người. Giảng là giải thích và khuyên mời (Mác 1:14-15), người nghe có quyền lựa chọn.
+ Có một sự hiểu lầm cần xác minh: Giảng Tin lành để người nào tin Đức Chúa Giêxu thì được cứu, không phải là để người ta THEO ĐẠO. Dầu bạn có theo đạo (có tôn giáo, tổ chức) mà không tin Chúa Giêxu thì bạn cũng không được cứu.
94. Tôi tin Chúa được lên Thiên đàng, còn ba tôi chưa tin Chúa đã qua đời. Làm sao tôi chịu được khi thấy ba tôi ở trong hình phạt nơi địa ngục?
+ Tôi thật cảm động khi đọc câu hỏi của bạn, nó nói lên tinh thần hiếu thảo của Cơ đốc nhân.
+ Trong Khải 21:4 là sự an ủi cho chúng ta lúc đó: Chúa sẽ lau hết nước mắt chúng ta, nghĩa là Chúa cảm thông và Ngài sẽ có cách an ủi. Không còn khóc lóc kêu ca . . . Chắc chắn Chúa sẽ giải quyết làm cho bạn không còn hối tiếc. Bạn nhớ chính Chúa cũng không muốn một người nào chết (II Phierơ 3:9), huống chi chúng ta.
+ Duy có điều chúng ta phải làm là ngay bây giờ, bạn hãy lo làm chứng cho những người còn sống hơn là ngủ yên trong sự lo lắng cho người đã chết. Cũng không phải chỉ lo cho người thân mà cho mọi người.
95. Có người nói: Cái gì cũng tin sao? Phải giải thích thế nào để không làm buồn lòng người nghe?
+ Đầu tiên là phải khen: Câu nói nầy rất đúng. Cái gì cũng tin sao? Nếu cái gì cũng tin, thì đó là mê tín. Chúng ta chỉ tin vào Chân Lý, nhưng điều đó có liên hệ đời sống của mình.
Đức Chúa Giêxu phán: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống (Giăng 14:16). Cho nên, bạn chỉ tin Đức Chúa Giêxu mà thôi.
96. Có người cho rằng mình không có tội chi hết? Vậy làm cách nào để cho họ biết?
+ Ý nghĩ của người này một phần là do cách giải thích sai lầm về tội lỗi. Tốt nhất nên dùng quyển 'Tin lành là gì?'  sẽ giúp bạn giải thích rõ ràng.
+ Bạn dùng I Giăng 3: 4 để định nghĩa tội lỗi là trái luật pháp của Chúa (10 điều răn). Ngay điều đầu tiên đã nói đến tội lỗi chúng ta, tôi không thờ phượng Đức Chúa Trời và Giacơ 2:10 xác nhận phạm một điều là phạm hết 10 điều. Kinh thánh kết luận: Mọi người đều đã phạm tội (Rôma 3:23).
+ Điều bạn phải nhớ là sau khi thuyết phục họ nhìn nhận tội lỗi, thì bạn hãy chỉ dẫn cách để được tha thứ (I Giăng 1:9).
97. Ông bà tôi có quan niệm khi còn trẻ thì theo đạo nào cũng được, nhưng khi về già thì nên thờ cúng ông bà, theo giống nòi tổ tiên. Do đó, ông bà tôi không bằng lòng tin Chúa. Tôi phải làm chứng thế nào?
+ Bạn phải trở lại cách làm chứng cho gia đình:
1.     Cầu nguyện: Xin Hội thánh cầu nguyện và cá nhân bạn cầu nguyện (thỉnh thoảng cầu nguyện cho gia đình nghe).
2.     Sống đạo: Yêu thương mọi người trong gia đình và siêng năng.
3.     Làm chứng: Chính mình làm chứng đạo hoặc nhờ người đồng tuổi trong Hội thánh làm chứng. Có dịp mời đi nghe truyền giảng.
Điều quan trọng là phải nhẫn nại và đừng công kích việc thờ lạy tổ tiên. Phải khen lòng hiếu thảo đối với con người, nhơn đó con người còn phải hiếu đối với Đức Chúa Trời, trở lại giềng mối nguyên thủy là Đấng tạo hóa.
98. Sống trên đời nầy, tôi không cần biết chết rồi đi đâu. Lúc sống cứ làm lành giúp người nghèo là đủ rồi. Nếu chết được lên Thiên đàng thì tốt mà có xuống địa ngục cũng chẳng sao. Làm người mà không khéo sống cho phải lẽ, thì chuốc lấy đau khổ thế thôi.
+ Bạn đã làm và nghĩ những điều đúng: Làm việc lành và sống phải lẽ. Nhưng tôi muốn nói về 2 điều đó:
Tôi xin hỏi bạn, bạn muốn làm việc lành, nhưng có làm trọn không? Rôma 7:15-21 nói lên kinh nghiệm của một người mà ngày nay hơn phân nửa nhân loại tôn làm thánh - Thánh Phao lô - mà còn nói như thế, thì bạn nói thế nào? Bạn có lòng thương người, tôi tin bạn nhận rằng không làm trọn. Do việc lành không làm trọn, chứng minh chúng ta là tội nhân (Rôma 3: 10, 23). Đó là điều Tin lành dạy khác với các tôn giáo. Tôn giáo dạy làm lành để hạn chế tội, nghĩa là tội vẫn còn, chỉ làm chậm phát triển. Còn Tin lành dạy tin Đức Chúa Giêxu để được tha tội trước rồi tự nhiên làm lành, việc lành đó có giá trị (giống như cây có sự sống, thì trái là kết quả tự nhiên).
1.     Bạn đã muốn làm việc lành, thế thì bạn cần tin Đức Chúa Giêxu để việc lành đó có giá trị (Êsai 64: 6) và sẽ làm trọn (Philíp 4:13).
2.     Sống phải lẽ: Bạn lấy tiêu chuẩn nào gọi là PHẢI LẼ? Có những việc đối với người nầy phải, nhưng đối với người kia không phải. Êsai 53:6 xác định chúng ta thảy đều như chiên đi lạc ai theo đường nấy. Như vậy, không phải sống theo LẼ PHẢI, mà là CHÂN LÝ. Bạn cần Chân lý. Chân lý là điều đời nào cũng phải, người nào cũng phải. Đức Chúa Giêxu phán Ngài là Chân lý, nghĩa là bạn cần tin nhận Đức Chúa Giêxu, tức thì bạn có Chân lý.
3.     Không quan tâm  địa ngục: Không biết bạn nói câu nầy có thành thật không? Nếu không sợ địa ngục, tại sao bạn lại muốn làm lành để lánh khổ? Khổ như vậy mà bạn còn muốn tránh, huống chi khổ nơi địa ngục là nơi bạn chắc chắn sẽ đến khi bạn không tin Chúa Giêxu (Giăng 3:36).
99. Tôi sống bằng tư tưởng vô thần. Đời người ngắn ngủi và chẳng cần biết tôi từ đâu đến, rồi sẽ đi đâu? Thiên đàng đẹp đẽ, địa ngục xấu xa, Niết bàn an tịnh, Tây phương cực lạc . . . Tôi không cần nghĩ đến.
+ Câu nói của bạn làm tôi nghĩ đến câu: 'Nhân vô sự tiểu thần tiên.' Có lẽ bây giờ bạn là một ông tiên. Chữ Trung quốc viết chữ TIÊN là chữ NHÂN (người) đứng bên chữ SƠN (núi) nghĩa là tiên thì ở trên núi mà bạn còn ở thành phố, chưa ở trên núi, chứng tỏ bạn chưa thành tiên. Bạn chỉ nói muốn sống như vậy mà không sống được.
·         Người Việt nam nói: 'Có tiền mua tiên cũng được', tôi không biết bạn có tiền không? Có bao nhiêu? Tôi tin rằng bạn giàu hơn tôi và nhiều người nhưng bạn chưa phải là người giàu nhất. Nên tôi tin rằng bạn không phải là TIÊN VÔ SỰ.
·         Bạn làm tôi nhớ đến câu chuyện Đức Chúa Giêxu kể trong Luca 12:16-21. Câu 19 cho thấy người này cho mình giống như tiên, nhưng Đức Chúa Trời gọi đó là NGU DẠI.

Đăng nhận xét

[blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.