Giải Đáp Thắc Mắc Từ câu: 100-149

Tác giả: Mục Sư Trần Thái Sơn



100. Đức Chúa Trời có chăm sóc người chưa tin không?

+ Mathiơ 5:45 Đức Chúa Giêxu dạy: Đức Chúa Trời vẫn chăm sóc cho người chưa tin trong cuộc sống hằng ngày. Giăng 3:16 Đức Chúa Trời yêu thương thế gian trong đó có người chưa tin. II Phierơ 3:9 Đức Chúa Trời vẫn chờ đợi người chưa tin ăn năn.






+ Tôi không biết bạn đã tin Chúa chưa? Nếu chưa thì hãy mau mau đáp lại sự chăm sóc của Ngài mà ăn năn tin Đức Chúa Giêxu. Nếu đã tin thì bạn hãy bắt chước Chúa Giêxu mà lo cho người chưa tin có cơ hội ăn năn tin Chúa.
101. Nếu Chúa chữa bệnh cho tôi thì tôi tin.
+ Điều chắc chắn là theo Kinh thánh (Êsai 53:5; Mác 1:32-34) Đức Chúa Giêxu có quyền năng chữa bệnh, kể cả kêu người chết sống lại.
+ Nhưng câu nói của bạn khiến tôi nghĩ đến một người sắp chết đuối mà ra điều kiện: Hãy chữa bệnh cho tôi rồi tôi mới chịu cho cứu tôi khỏi chết đuối. Không ai làm như vậy.
+ Cũng không ai vì nhờ một vị bác sĩ chữa lành bệnh mà lại đem vị bác sĩ về làm Đức Chúa Trời.
+ Kinh thánh cũng cho biết vì tội lỗi mà có bệnh tật (Sáng 3:16-19).
+ Vì vậy, vấn đề của bạn không phải chỉ là được chữa lành bệnh mà còn cần được tha thứ tội lỗi, được bình an, sống vui mừng đầy hy vọng. Đó là lý do bạn cần tin Đức Chúa Giêxu để được ra khỏi cảnh chết đời đời trong tội lỗi. Bạn không cần giải pháp nào khác (Công 4:12).
102. Tôi khó tin Chúa. Vì tôi có người bạn tin Chúa, rồi những người trong Hội thánh bảo 'Không được hút thuốc, không được xem phim.' Tôi thích xem phim, lại nghiện thuốc lá.
+ Bạn có biết tại sao bạn thích xem phim và nghiện thuốc lá không? Tại vì bạn chưa có niềm vui thật. Nếu bạn có niềm vui thật thì bạn sẽ không cần đến những điều trên. Bạn nên để ý, trong Hội thánh không bao giờ bảo bạn phải từ bỏ điều nầy hay điều khác rồi mới được tin Chúa. Khi bạn tin nhận Đức Chúa Giêxu bạn sẽ kinh nghiệm niềm vui thật, lúc ấy tôi quyết chắc rằng bạn sẽ thắng mọi cám dỗ.
+ Câu hỏi nầy cũng dạy cho Cơ đốc nhân làm chứng đạo: Không bao giờ dạy cho người chưa tin bỏ điều nầy điều khác rồi mới tin Chúa. Trái lại, phải tin Chúa rồi mới nhờ Chúa dứt khoát sự cám dỗ.
103. Tôi nghe Tin lành rõ ràng, nhưng không dám tin, vì gia đình không thích. Vì phải hiếu kính cha mẹ, tôi chỉ tin trong lòng được không?
+ Rất vui vì bạn đã có cơ hội nghe Tin lành và hiểu. Nhưng phải nói là bạn chưa hiểu rõ. Chưa rõ là thế nầy :
·         Gia đình bạn không thích là do gia đình bạn hiểu lầm hay có thành kiến về Tin lành. Thế sao bạn không giải thích hay nhờ người khác giải thích?
·         Bạn hiểu lầm người tin Chúa không hiếu kính cha mẹ sao? Trái lại càng hiếu kính hơn (Xuất 20:12; Êphêsô 6:1-3). Do lòng hiếu kính đó, bạn phải mau mau tin Chúa, học thêm về Chúa rồi giới thiệu Tin lành để cha mẹ được cứu nữa. Không lẽ bạn muốn cha mẹ bạn bị hình phạt sao? Tôi khuyên bạn mau tin Chúa.
Dĩ nhiên tin Chúa trong lòng đó là điều mà Chúa đòi hỏi trước nhất (Giăng 4:24), nhưng tấm lòng đó cần biểu lộ ra ngoài (Rôma 10:8-11). Tại bạn chưa tin Chúa nên lo như thế, nhưng khi bạn thật lòng tin Chúa, khi đó Chúa sẽ ban cho bạn vui mừng trọn vẹn, chắc chắn sự sợ hãi này không còn. Bạn đã ở trước cửa Thiên đàng, hãy bước vào đi.
104. Tôi là con một trong gia đình, là người nối dõi việc nhang đèn, thờ cúng tổ tiên. Như vậy tôi có thể tin Chúa không?
+ Bạn thật là người đáng quí trọng vì lòng hiếu thảo giữa thời kỳ nầy. Dầu vậy, trước nhất bạn phải tìm hiểu nguồn gốc của việc thờ cúng tổ tiên.
Khổng tử có nói đến chữ HIẾU, nhưng chính Tăng Tử mới phát huy đầy đủ. Tăng Tử nói:
- Hiếu hữu tam                           Hiếu có ba điều
·         Đại hiếu tôn thân                Lớn nhất là tôn kính.
·         Kỳ thứ phát nhục                Hai là không làm nhục.
·         Kỳ hạ năng dưỡng              Ba là có thể nuôi.
+ Về sau này có thêm những ý kiến bày ra những nghi lễ phiền phức thờ cúng. Chính trong hàng nho gia (sách Luận ngữ) cũng ghi lại có người phản đối. Những cái bên ngoài đã làm mất ý nghĩa đạo hiếu nguyên thủy.
+ Nếu nói rằng phải nhang đèn mới hiếu, thế thì trước khi làm ra được nhang đèn là bất hiếu sao?
+ Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời không bao giờ dạy bất hiếu. Trái lại Kinh thánh đặt chữ hiếu là luật đầu tiên trong đạo làm người (Xuất 20:12; Êphêsô 6:1-2; Xuất 21:15; Lêvi 20:9). Chúa đòi hỏi hiếu thật lòng, thành thật. Do đó người tin Chúa là người thật lòng hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, làm rạng danh cho cha me, phụng dưỡng cha mẹ. Cơ đốc nhân không làm những điều phiền phức  giả tạo.
+ Câu hỏi của bạn là: 'Tôi có tin Chúa được hay không?' Bạn tin Chúa được khi nào bạn nhận biết mình là một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, bạn nhận biết Đức Chúa Trời yêu thương bạn, biết Đức Chúa Giêxu vì bạn chịu chết trên thập tự giá và bạn có bằng lòng tiếp nhận Chúa Giêxu làm Cứu Chúa cho bạn không?
+ Bạn đã quan tâm đến bổn phận đối với bậc sinh thành là cha mẹ. Tôi mong bạn cũng sẽ quan tâm đối với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Dựng nên tổ tiên cha mẹ chúng ta.
105. Tại sao vẫn có người phạm tội, mà chứng đạo vẫn có người tin Chúa?
+ Bạn hãy cẩn thận về đức tin người đó lập trên nền tảng gì? (I Côrinhtô 3:10-12) trên Lời Chúa hay trên lý thuyết cá nhân, vì người nghe cãi không lại? Có thể người ta tin vì cách làm chứng sai. Tin Chúa để được lành bệnh, để được giúp đỡ, để có phước (mà không nói phước gì), hoặc tai hại hơn, tin nhưng cứ sống tội lỗi như người làm chứng.
+ Chúa là yêu thương, nên Ngài cũng dùng kết quả đó để tỉnh thức người phạm tội. Bạn hãy đọc Mathiơ 23:13-15 mà học lấy câu trả lời tốt nhất.
106. Nếu chúng ta dẫn đưa một người về với Chúa, khi người đó mới chớm trưởng thành trong Chúa mà chúng ta bỏ người đó ra. Lỡ người đó bỏ nhóm trở về cuộc sống cũ. Khi Chúa đến thì chúng ta phải CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ ĐỜI SỐNG NGƯỜI ĐÓ, phải không?
+ Tại sao bạn lại bỏ chương trình chăm sóc nửa chừng? Vì bạn yếu đuối, lười biếng, buồn giận? Nếu như vậy thì bạn có trách nhiệm.
+ Bạn cũng cần xem lại cách bạn chăm sóc. Bạn dạy cho người mới tin điều gì? Kinh nghiệm hay Kinh thánh? Dạy kinh nghiệm thì người đó không dùng lâu được dầu có bạn hay không? Dạy Kinh thánh thì bạn chỉ cần ở vị trí phụ thuộc.
+ Nếu bạn làm hết lòng, dạy đúng cách, thì xin tặng bạn câu I Côrinhtô 3:6.
IV. KINH THÁNH
107. Làm thế nào để tin Kinh thánh là thật và có ích? Trong khi đó, sách khác, kinh sách của đạo khác cũng dạy những điều hay lẽ phải có ích?
+ Kinh thánh không phải là một quyển sách chỉ dạy những điều hay lẽ phải, mà Kinh thánh có mục đích là đem sự cứu rỗi cho loài người. Đó là điều mà các sách khác không bao giờ có (Giăng 20:31; II Timôthê 3:15-16).
+ Kinh thánh cũng là sách chân thật, vì những lời trong Kinh thánh hoàn toàn ứng nghiệm trên thế giới, nhất là trên dân Isơraên và trên chính người tin nhận Kinh thánh.
108. Cựu và Tân ước khác nhau như thế nào?
Cựu ước                                       + Tân ước
Về hình thức :

(1)    Có 39 sách                            (1) Có 27 sách

(2)    Viết bằng tiếng Hibálai             (2) Viết bằng tiếng Hilạp
(3)    Đa số là tiên tri viết                (3) Đa số là sứ đồ viết
(4)    Dùng danh Giêhôva                (4) Dùng danh Cha
Về nội dung:

(a)   Đề cập lịch sử Isơraên         (a) Đề cập lịch sử Hội thánh

(b)   Căn bản trên luật pháp        (b) Căn bản trên huyết Chúa Giêxu
(c)   Từ tốt đẹp đến tội lỗi           (c) Từ tội lỗi đến tốt đẹp
+ Tuy nhiên, sự khác nhau này không phải là trái nhau, nhưng bổ sung cho nhau.
109. Những chức sắc của giáo hội Công giáo dùng Kinh thánh loại nào, có đúng như Tin lành không? Nếu đúng, tại sao họ lại có thể hướng dẫn giáo dân đi ngược Lời Chúa?
+ Nói chung, bản Kinh thánh giữa Giáo hội Công giáo và Tin lành trong phạm vi 66 sách thì không có gì khác (chỉ khác cách dùng từ). Tuy nhiên, các bản dịch của Công giáo Lamã thường thêm vài sách không có trong kinh điển Tin lành và Do thái giáo. Ngoài ra, người Công giáo Lamã còn công nhận giáo lịnh của Giáo hoàng như Lời Chúa, cùng một số lời truyền khẩu.
+ Vấn đề học Kinh thánh không hiểu, không phải chỉ có ở ngày nay, mà đã có từ thời Đức Chúa Giêxu trên đất với nhiều lý do:
·         Giăng 5:39, Hiểu sai mục đích của Chúa.
·         II Timôthê 3:7, Người phạm tội không ăn năn nên học Kinh thánh mà không hiểu.
·         II Phierơ 3:16, Tin không quyết nên hiểu sai.
·         II Côr 3:14-15, Có định kiến với Kinh thánh nên không thể hiểu.
+ Kinh nghiệm giải kinh cho thấy người Công giáo dùng Kinh thánh giải thích điều họ làm thay vì phải làm theo điều Kinh thánh dạy.
110. Kinh thánh có theo kịp khoa học tiến bộ ngày nay không?
+ Câu mà tôi muốn hỏi bạn là có điều nào bạn thấy trong Kinh thánh không theo kịp tiến bộ của khoa học? Trái lại, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy khoa học càng ngày càng tìm được những bằng cớ hổ trợ cho Kinh thánh.

1.     Sáng 1:2

. . . Khoa học cho rằng NƯỚC là dấu hiệu của sự sống và Kinh thánh đã nói đến NƯỚC trước khi bắt đầu có các sự sống khác trên trái đất.

2.     Sáng 1:6-8

Kinh thánh cho biết bầu trời với màu xanh của nước trước khi các sinh vật xuất hiện. Bạn hãy hỏi các khoa học gia tại sao có và công dụng của bầu trời xanh, khoa học biết được khi nào?

3.     Gióp 26:7

Hơn 4.000 năm trước, Kinh thánh đã nói chỗ đứng của Trái đất. Bạn biết khoa học giải thích và chứng minh Trái đất trong không gian khi nào không?
4.     Thi thiên 19:1-4, Kinh thánh đã nói sóng vô tuyến, còn khoa học giải thích khi nào?
+ Điều bạn phải nhớ là Kinh thánh không phải là quyển sách được viết ra để bạn chỉ tìm những vấn đề khoa học, mà chính là để bạn biết một điều khoa học không có: Tội lỗi của bạn và SỰ CỨU RỖI trong ĐỨC CHÚA GIÊXU (Giăng 20:31).
111. Sáng 6:14-20 Đức Chúa Trời bảo đem tất cả các loài súc vật trên thế giới vào một chiếc tàu kích thước như thế, làm sao thực hiện được?
+ Kinh thánh không hề nói Nôê đem tất cả các loài súc vật trên thế giới vào tàu (Sáng 6:19-20; 7:19). Chúng ta có thể hiểu:
1.     Những súc vật nầy trong khả năng Nôê tìm được (không tập hợp đủ cả).
2.     Hoặc Nôê đem vào tàu những loài không thể bảo tồn sự sống được.
3.     Hoặc những súc vật nào đến được tàu.
Để hiểu được một chút loài vật nào, chúng ta đọc Lêviký 11.
+ Tuy nhiên, từ khúc Kinh thánh nầy, chúng ta lại thấy nhiều điều hợp lý:
·         Các dân tộc trên thế giới đều có truyền thuyết về nước lụt.
·         Năm 1609 - 1621, một người Hòa Lan tên Peter Janson đã đóng thí nghiệm một chiếc tàu có kích thước giống như vậy. Điều kỳ diệu là nó vừa chịu được sóng gió, vừa có khả năng tồn trữ khá cao.
·         Câu chuyện nầy cũng dạy cho loài người về khả năng tiên đoán về thiên tai (nước lụt) của một số sinh vật, chúng biết trước và đã vào tàu với Nôê.
+ Còn lại vài chi tiết, chúng ta chưa hiểu hết, chưa giải thích được không có nghĩa là không đúng. Chúng ta còn chờ đợi Đức Chúa Trời ban cho nhân loại thêm hiểu biết để giải thích thêm. Ngoài ra, xin nhắc bạn nhớ về Đức Chúa Trời trong Sáng 18: 14; Luca 1:37.
112. Ngày thứ nhất, Đức Chúa Trời dựng nên sự sáng và sự tối. Chiếu theo khoa học, sự sáng và sự tối là do mặt trời và mặt trăng. Nhưng đến ngày thứ tư, Đức Chúa Trời mới tạo nên mặt trời và mặt trăng. Đây là điều vô lý.
+ Bạn nên xem lại Kinh thánh kỹ hơn. Đức Chúa Trời không hề dựng nên sự tối và không khoa học gia nào nói: Sự tối và sự sáng chỉ do mặt trời và mặt trăng.
+ Kinh thánh cho chúng ta biết rằng, ngoài mặt trời và mặt trăng, chúng ta còn có một nguồn sáng nữa (Khải 21:23-25), ấy là chính Chúa. Khoa học cũng xác nhận không phải chỉ có một mặt trời trong vũ trụ, mà có khoảng 100.000 tỉ sao như mặt trời trong thiên hà của chúng ta, rồi trong Vũ trụ lại có độ 2.000 tỉ thiên hà như vậy.
+ Do đó vấn đề ngày thứ tư phải hiểu theo 2 cách:
1.     Sự sáng trong vũ trụ đã có trước (Khải 21:23-25) và ngày thứ tư mới có mặt trời.
2.     Trong ngày thứ nhất đã xuất hiện các vì sao, trong đó có mặt trời và mặt trăng; nhưng lúc bấy giờ chưa xuất hiện rõ trong bầu trời (vì mây mù?). Phải đợi đến ngày thứ tư mới lộ ra trên bầu trời.
Dầu khoa học chưa xác định nguồn gốc vũ trụ, nhưng các giả thuyết đưa ra: Thuyết tinh vân, bụi vũ trụ . . . cũng đủ hổ trợ cho Kinh thánh. Bạn thấy rõ khoa học đã hổ trợ Kinh thánh.
113. Tại sao Chúa kiếm thế giết Môise (Xuất 4:24), trong khi phần trước, Chúa lại kêu gọi ông giải cứu dân Isơraên. Vậy Kinh thánh có mâu thuẫn không?
+ Lý do Chúa muốn giết Môise là ông không làm phép cắt bì cho con của ông, tức là Môise bội nghịch giao ước của Chúa (Sáng 17: 14). Chúa kêu gọi Môise làm công việc Chúa, dẫn dắt dân sự nhưng chính ông lại không vâng lời Chúa, không làm gương cho dân sự thì tội thật đáng chết.
+ Đây là bài học cho bạn, nếu bạn biết Chúa thật kêu gọi bạn hầu việc Chúa, mà bạn không vâng lời, không làm gương tốt, thì chắc chắn không tránh khỏi cơn giận của Chúa.
114. Sách Mathiơ, Đức Chúa Giêxu dạy đừng đem giày, gậy. Sách Mác dạy phải đem theo. Có mâu thuẫn không?
+ Câu nầy được giải thích nhiều cách:
·         Mathiơ nói chung là đem theo như một gia tài riêng để dự bị. Còn Mác nói như một phương tiện cần thiết để đi đường.
·         Trong nguyên văn Hilạp, Mathiơ 10:10 dịch chữ GIÀY, Mác 6:8 là chữ DÉP  và Mathiơ 10:10 dùng chữ CÁC cây gậy (nhiều) còn Mác 6:8 nhấn mạnh MỘT cây gậy.
+ Điều Đức Chúa Giêxu muốn dạy chúng ta là: Đi giảng Tin lành không phải là đi du lịch, nên không cần đem theo quá nhiều tài sản; đi giảng Tin lành không phải là đi ăn xin, nên cần có những nhu cầu tối thiểu cho cá nhân mình.
115. Tôi  thấy có sự mâu thuẫn giữa Rôma 2:13 và Rôma 3:20. Vì Rôma 2:13 thì bảo làm theo luật pháp được xưng công bình; còn Rôma 3:20 lại bảo không phải làm theo luật pháp mà được xưng công bình.
+ Bạn đứng quan điểm bên ngoài thì nhận định của bạn đúng. Nhưng nếu bạn đứng vào vị trí khác nhau của 2 câu Kinh thánh trên thì bạn sẽ thấy không mâu thuẫn. Vị trí đó như thế nầy :
·         Rôma 2:13 là vị trí một người chưa phạm tội, chưa phạm luật pháp thì việc tuân giữ luật pháp có hiệu quả là xưng công bình cho người đó.
·         Rôma 3:20 là vị trí của một người phạm tội, đã vi phạm luật pháp (3:10-18), một người đã phạm tội thì việc tuân giữ luật pháp sau đó không còn hiệu lực xưng công bình, mà là chỉ cho biết tội thêm.
+ Một tội nhân giết người bỏ chạy đến một ngã tư đường, thì chấp hành luật lệ giao thông, ngừng lại khi đèn đỏ. Hành động giữ luật giao thông nầy không giúp anh ta miễn tội giết người, mà chỉ càng mau bị hình phạt.
+ Bạn phải nhớ tất cả chúng ta đều ở vị trí Rôma 3:20.
116. HÔSANA có nghĩa gì?
+ Theo tiếng Hibálai (Hêbơrơ) HÔSANA có nghĩa là 'Vậy xin hãy cứu' được dùng như tiếng hoan hô, hoan nghinh.
117. Mathiơ 11:12 có nghĩa gì?
+ Có 2 ý để giải thích :
·         Chữ HÃM ÉP (bản cũ) có thể hiểu là hạn chế. Từ Cựu ước đến đời Giăng Báptít (11:13), thì nước Thiên đàng hay sự cứu rỗi bị sức mạnh của tội lỗi, xác thịt, ma quỉ tìm cách hạn chế, ngăn cản (cho nên việc tuân giữ luật pháp để được cứu không thành, Rôma 3:10) choán lấy.
·         Bản nhuận chánh dịch: "Từ ngày Giăng Báptít đến nay, phải nổ lực mà vào Nước Trời, kẻ nổ lực chiếm được." Có nghĩa là thời kỳ Giăng Báptít là thời kỳ luật pháp, là thời con người nổ lực, cố gắng, phải LÀM theo luật pháp để chiếm được (thời ân điển loài người chỉ cần TIN nên kể là lớn hơn Giăng).
Kết hiệp 2 ý lại, chúng ta có cái nình toàn diện về thái độ đối với Nước Thiên đàng (sự cứu rỗi):
·         Bên ngoài thì kẻ thù tìm cách ngăn trở.
·         Bên trong vẫn còn nhiều người nổ lực vào.
Phần Kinh thánh nầy, Đức Chúa Giêxu đang so sánh giữa Cựu và Tân ước. Một bên Cựu ước đòi con người cố gắng và có nhiều mặt hạn chế; bên Tân ước chỉ cần TIN.
118. Xin giải thích I Côrinhtô 3:15 ". . . sẽ được cứu dường như qua lửa vậy."

+ Tham khảo Mathiơ 3: 12; 13: 40 chúng ta biết lửa ở đây là chỉ về sự phán xét của Chúa. Phần Kinh thánh nầy, Phao lô đang nói về những công tác mà Cơ đốc nhân làm bởi cớ tích nào, từ cớ tích đó Chúa sẽ thưởng phạt cho họ.



+ Một người qua lửa là một người thoát ra khỏi trận cháy như Lót thoát khỏi trận cháy Sôđôm, không còn lại một vật nào, chỉ cứu được chính mình.
+ Bạn phải lưu ý cách dùng chữ so sánh câu của Phaolô: DƯỜNG NHƯ giống như, Phaolô muốn dùng một hình ảnh cụ thể (đám cháy) để diễn tả một việc thiêng liêng (được cứu mà không được thưởng). Có một số người hiểu sai, cho rằng phải vào một nơi có lửa để luyện tội (ngục luyện tội) ở đời sau.
+ Kết lại, Phaolô trình bày trường hợp Cơ đốc nhân được cứu, nhưng không được thưởng, không phải vì họ lười biếng, nhưng vì cớ tích làm việc cho Chúa của họ không đặt trên sự gây dựng (nền tảng Đức Chúa Giêxu Christ) Philíp 1:17 - Cho nên vấn đề không phải là có làm công việc Chúa không, mà chính là nguyên nhân nào khiến bạn làm công việc Chúa.
119. "Tư tưởng cao quá lẽ" là gì? Khi học về gương các sứ đồ, các anh hùng đức tin, tôi khao khát một đời sống như thế. Như vậy có phải là "tư tưởng cao quá lẽ" không? Làm thế nào để có thể sống như vậy?
+ Câu Kinh thánh này có nghĩa: "Coi mình cao quá đáng" (Rôma 12:3) đó là tinh thần kiêu ngạo, coi mình là quan trọng.
+ Việc của bạn giống như các sứ đồ, các anh hùng đức tin là ước muốn tốt. Vì Chúa chẳng phải muốn bạn giống như những người đó, mà muốn bạn giống như chính Ngài (Philíp 3:10-11) và làm những việc lớn hơn Ngài làm (Giăng 14:12).
+ Nhưng bạn muốn có một đời sống như vậy để làm gì? Để khoe khoang? Hay là để Chúa dùng phục sự Chúa như các vị đó?
+ Muốn sống như vậy, bạn phải đọc lại Rôma 12:1-2 trước khi đọc câu 3 nầy, rồi đọc câu 4 đến đoạn 15 và cứ làm theo.
120. Trong Quan. 11, Giép thê hoàn nguyện việc dâng con gái cho Đức Chúa Trời bằng cách nào?
+ Có 2 ý giải thích:
1.     Con gái Giép thê ở ẩn, biệt mình vào nơi kể như đã chết.
2.     Hoặc Giép thê thật đã giết con dâng tế.
+ Dầu giải thích cách nào, chúng ta cũng học được 2 điều theo Truyền đạo 5:2-5 :
·         Chớ vội vàng hứa nguyện (hứa nguyện theo cảm xúc).
·         Kinh thánh không nói, nhưng chắc chắn Giép thê đã hoàn nguyện. Đức Chúa Trời là Đấng Thánh yêu thương, chắc chắn không để sự hoàn nguyện nầy vi phạm bản tánh của Ngài. Trong Sáng 22, Chúa không cho Ápraham giết Ysác để dâng, Ngài chỉ thử.
121. Con thú ở Khải huyền 13:1-9; 13:10-18 và con thú 7 đầu 10 sừng ở Khải huyền 17 là ai?
+ Điều chắc chắn Kinh thánh không nói con thú là 'con thú' theo nghĩa đen. Nhưng những con thú nầy chỉ về những thế lực của ma quỉ và thế lực chống lại Đức Chúa Trời.
+ Về ứng dụng cụ thể, có nhiều cách giải thích khác nhau chỉ về nước nầy hoặc vua kia, nhưng chỉ là những lời giải thích dự đoán. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý đó là các thế lực chống lại chính Chúa. Đó là ma quỉ và những con người thuộc về ma quỉ.
122. Trong Mathiơ 16:18-19 tại sao Chúa Giêxu chỉ ban cho Phierơ một đặc quyền lớn lao như vậy? Có phải 2 câu Kinh thánh nầy làm nền tảng cho việc thiết lập chế độ Giáo hoàng không?
+ Tôi không hiểu bạn muốn nói đặc quyền nào? Đặc quyền mà Đức Chúa Giêxu ban cho Phierơ là mở cánh cửa giảng Tin lành:
·         Công vụ 2:14-15, chính Phierơ là người mở cửa Tin lành đầu tiên cho người Do thái.
·         Công vụ 10, cũng chính Phierơ là người mở cửa Tin lành cho người ngoại bang.
Thật vậy, Phierơ luôn luôn là người đi tiên phong trong những đối tượng mới để giảng Tin lành.
+ Điều chắc chắn là Đức Chúa Giêxu không hề ban cho Phierơ đặc quyền làm Đức Chúa Trời trên đất. Chúng ta hãy nghe Phierơ phát biểu ý kiến :
·         Công vụ 3:12, 16 ông không có quyền năng gì.
·         Công vụ 4:12 không có danh nào trừ ra Đức Chúa Giêxu cứu con người.
·         Công vụ 10:25-26 ông cũng là người.
·         I Phierơ 5:1 ông cũng chỉ là một trong các Trưởng lão.
+ Bạn cũng phải nhớ Đức Chúa Giêxu ban cho Phierơ đặc quyền mở cửa (công đầu) giảng Tin lành, vì Phierơ nhìn biết Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ chứ không phải vì thấy ông là người đại diện cho Chúa.
+ Hội thánh đầu tiên trong 4 thế kỷ đầu không hề có ý niệm gì về chức vụ Giáo hoàng.
123. Nêhêmi 13:27 "Lấy người ngoại bang là vi phạm cùng Đức Chúa Trời." Nhưng tại sao trong sách Rutơ, con trai Naômi cưới vợ người Mô áp, vậy mà Đức Chúa Trời lại ban phước cho Rutơ?
+ Bạn đọc lại Nêhêmi 13:23; 24: 26-27 sẽ thấy những người Isơraên (kể cả Salômôn) đều vì kết hôn với người ngoại bang mà phạm tội với Đức Chúa Trời. Lý do là những người đó xui dân Isơraên thờ hình tượng, không vâng lời Chúa.
+ Trường hợp sách Rutơ, bạn đọc kỹ sẽ thấy Đức Chúa Trời không hề ban phước cho gia đình Êlimêléc, khi họ đến Mô áp (Rutơ 1:5; 20 -21) trái lại, Đức Chúa Trời đã làm cho họ trở nên Mara (cay đắng) như bà Naômi đã nhận.
Đức Chúa Trời ban phước cho Rutơ vì nàng quyết định trở lại cùng Đức Chúa Trời (Rutơ 1:16-17). Rutơ thật đã trở nên dân của Đức Chúa Trời trên danh nghĩa.
124. Mathiơ 21:18-20, tại sao Chúa khiến trái trên cây không có để rồi quở nó héo đi?
+ Đặc tính của cây vả: có lá là có trái, nhưng ở cây vả nầy có lá mà không có trái, nghĩa là nó nghịch mùa.
+ Đức Chúa Giêxu quở trách cây vả để dùng nó làm bài học cảnh tỉnh chúng ta. Đời sống Cơ đốc nhân phải có kết quả thật, chứ không phải chỉ bề ngoài.
125. Tại sao Đức Chúa Trời giết Uxa khi ông vô tình đỡ HÒM GIAO ƯỚC. Trong khi đó Đavít lấy bánh của đền thờ để ăn mà không bị gì cả, mặc dù cả 2 đều trái luật của Chúa?
+ Bạn đọc lại I Samuên 7:1 trở về trước đến đời Các Quan xét, hơn 400 năm Hòm Giao ước của Đức Chúa Trời bị khinh dễ và quên lãng. Mãi đến đời Đavít Hòm Giao ước mới được nhớ đến, nhưng Isơraên đã quên luật lệ về Hòm Giao ước: 'Thầy tế lễ phải khiêng' (Xuất 25:14), mà bây giờ họ lại chở bằng xe.
Hành động phạt Uxa có 2 lý do :
·         Đức Chúa Trời không cho dùng xe.
·         Cảnh cáo dân sự về vật thánh. Nếu không sẽ có nhiều tội khác xảy ra.
+ Còn Đavít vào đền thờ và ông xin thầy tế lễ vì nhu cầu sự sống cho ông ăn (I Samuên 21:4-6). Nếu Đavít lấy quyền tự cướp lấy, tôi tin rằng Đavít sẽ chết (trường hợp vua Ôxia, II Sử 26:16-21).
Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ và Ngài cũng không vị nể ai, dầu là vua.
126. Chúa bảo hãy tha thứ 70 x 7. Tại sao Chúa lại nổi giận với Ađam và Êva quá đáng?
+ Bạn hãy đọc Sáng 3 sau khi Ađam phạm tội, thì :
·         Sáng 3:9 Chúa vẫn yêu thương tìm Ađam.
·         Sáng 3:11 Đức Chúa Trời mở đường cho Ađam ăn năn.
·         Sáng 3:13a Đức Chúa Trời mở đường cho Êva ăn năn.
+ Rất tiếc cả 2 đã không ăn năn, nên đã bị án phạt. Chúa dạy, Ngài cũng thực hành sự tha thứ theo như bản tánh của Ngài trong Xuất 34:6-7. Tuy nhiên, Ngài tha thứ cho kẻ có tội biết ăn năn nhưng không kể có tội là vô tội.
127. Tại sao Kinh thánh nói chung khá xem thường nữ giới? (chỉ đặc biệt một số ít)
+ Không phải Kinh thánh xem thường nữ giới, nhưng Kinh thánh muốn đặt nặng trách nhiệm về phía nam giới, vì nam giới được ban cho sức mạnh về thể xác nhiều hơn (I Phierơ 3:7) và luôn kêu gọi người nam yêu thương bảo bọc người nữ. Bạn cũng thấy những quốc gia ảnh hưởng Cơ đốc giáo, tức là theo sự dạy dỗ của Kinh thánh, thì nữ giới luôn luôn được tôn trọng.
+ Chúa dùng người nam cho công việc bên ngoài, phần việc nặng; cho nữ giới công việc bên trong, phần việc vừa sức. Bạn đừng nghĩ bên ngoài là quan trọng hơn, chỉ dễ thấy hơn, do đó bị hiểu lầm là quan trọng và nhiều hơn. Trong thân thể, các chi thể bên ngoài cũng lệ thuộc ngũ tạng bên trong. Hơn nữa trong Kinh thánh mỗi lần xuất hiện một người nữ là có một biến cố quan trọng xảy ra :
·         Sáng 3 Êva xuất hiện, làm đảo lộn Êđen.
·         I Samuên 1 - 2 An ne xuất hiện, chấm dứt thời kỳ loạn lạc của Quan xét.
·         II Samuên 11:2 Bátsêba xuất hiện, làm rung chuyển triều đình vua Đavít.
·         Êxơtê xuất hiện, dân Giuđa được giải cứu.
·         Rutơ xuất hiện, nối lại đường dây gia phổ về Đấng Cứu thế đã bị đứt.
·         Luca 1:26-38 Mari xuất hiện đem hy vọng cho thế giới.
Chừng ấy phụ nữ mà còn làm đảo lộn, rung chuyển cả thế giới, bạn còn đòi hỏi hết thảy xuất hiện, thì việc gì sẽ xảy ra!
V. CHÚA GIÊXU
128. Thế gian có rất nhiều tôn giáo, làm thế nào biết chỉ có Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời?
+ Hầu hết các tôn giáo có mục đích giúp loài người hướng thiện và ý thức tìm kiếm chân lý. Các tôn giáo là cách bổ sung ý thức đạo đức của con người, nhưng không cứu người khỏi tội lỗi, cũng không đưa người vào sự sống và sự sống đời đời. Riêng Đức Chúa Giêxu, Ngài là đường đi, lẽ thật và sự sống như trong Giăng 14:6 giới thiệu:
·         NGÀI LÀ ĐƯỜNG ĐI: Không phải là bảng chỉ đường như các tôn giáo, nhưng trong Đức Chúa Giêxu, Ngài chính là con đường đưa chúng ta vào Thiên đàng (Hêbơrơ 10:19-20; I Timôthê 2:5).
·         ĐỨC CHÚA GIÊXU LÀ CHÂN LÝ (LẼ THẬT): Là Chân lý nghĩa là Ngài bất biến (Hêbơrơ 13:8), không hề bị chi phối bởi không gian, thời gian, sự chết như các giáo chủ.
·         ĐỨC CHÚA GIÊXU LÀ SỰ SỐNG: Đức Chúa Giêxu không đưa ra một triết lý sống, nhưng Ngài là Đấng ban sự sống bằng chính sự sống của Ngài.
Những việc đó chỉ Đức Chúa Giêxu làm được vì Ngài là Đức Chúa Trời. Vì vậy, Chúa Giêxu khẳng định "Ngoài Ngài không ai được đến cùng Cha là ĐỨC CHÚA TRỜI" (Giăng 1:18; 14:6b).
129. Xin chứng minh Đức Chúa Giêxu là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đã có trước các Giáo chủ như Phật, Khổng Tử  . . .
+ Bạn hãy đọc các câu Kinh thánh sau đây: Giăng 1:1-3; 9:58; 10:30; Khải 1:17.
Những câu Kinh thánh đó chứng nhận Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo muôn loài vạn vật, có trước muôn vật. Chính cuộc đời của Đức Chúa Giêxu và việc Ngài làm, chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời.
+ Bạn cũng chú ý là ngoài Đức Chúa Giêxu ra, không có ai trong các giáo chủ hoặc người nào tự nhận mình là Tự Hữu Hằng Hữu. Bằng cớ là họ không hề biết họ từ đâu tới và họ cũng đã chết như mọi người.
130. Ngày Chúa Giáng sinh có chép trong Kinh thánh không?
+ Kinh thánh không ghi ngày Đức Chúa Giêxu Giáng sinh chính xác. Nhưng căn cứ vào lịch sử ghi trong Luca 2: người ta có thể tính vào năm 4 TC, có lẽ vào độ mùa xuân, vì lúc ấy người chăn chiên thường ở ngoài đồng.
+ Khi hoàng đế Lamã tin Chúa (311) thì dẹp bỏ hình tượng, đúng ngày 25 tháng 12, thay vì trước đây thờ hình tượng thần Mặt Trời nay dùng làm ngày kỷ niệm Đức Chúa Giêxu Giáng sinh.
+ Chúng ta là Cơ đốc nhân không quan tâm Chúa sinh ngày nào vì Kinh thánh không chép. Nhưng chúng ta lợi dụng ngày 25 tháng 12 làm cơ hội nhắc lại sự Giáng sinh của Đức Chúa Giêxu và để giảng Tin lành. Chúng ta ước ao mỗi ngày đều là Lễ Kỷ niệm Chúa Giáng sinh để được giảng Tin lành.
131. Có những di tích nào chứng minh sự Giáng sinh của Đức Chúa Giêxu?
+ Những bằng cớ sau đây :
·         Cả thế giới đều công nhận niên hiệu 200. . . . chứng tỏ thế giới đều công nhận năm Đức Chúa Giêxu Giáng sinh là năm thứ I.
·         Những khám phá khảo cổ tìm thấy chiếu lịnh đăng bộ nhân khẩu của hoàng đế August đúng như Luca 2:1-3 ghi (người làm lịch tính sớm 4 năm, sau này mới biết sai sót đó).
·         Những người dầu không tin nhận Đức Chúa Giêxu làm Cứu Chúa của họ, nhưng vẫn nhận một Giêxu Christ lịch sử. Bách khoa tự điển đã dành 20.000 từ để nói về Ngài.
132. Chúa có quyền năng tạo nên vũ trụ, khiến sóng biển yên lặng . . . Nhưng đến khi Chúa Giáng sinh phải gặp nhiều khó khăn, bắt bớ, giết chóc của người thế gian. Tại sao lúc đó Chúa không khiến họ vâng phục Chúa?
1.     Bạn biết được Chúa là Toàn năng, nhưng bạn cũng phải biết Chúa là Công nghĩa, nghĩa là Chúa không làm những việc gì vượt qua đức Công nghĩa của Ngài, trong đó có sự tự do của con người, cho nên Chúa cho phép Hêrốt tự do hành động.
2.     Bạn đừng quên sự thù nghịch của ma quỉ phá vỡ chương trình của Đức Chúa Trời và nó được Chúa cho phép hoạt động trong kỳ hạn (II Phierơ 2:4; Khải 12:12).
3.     Hêbơrơ 4:15-16; 2:16-18 cho bạn thêm một lý do là Đức Chúa Giêxu đến thế gian chịu như vậy để cảm thông với chúng ta và hoàn thành sự cứu rỗi mọi mặt.
4.     Giăng 10:18, Philíp 2:7-8: Bạn phải nhớ một điều rất quan trọng là chính Đức Chúa Giêxu tự nguyện chịu như vậy, không phải là Ngài bất năng. Làm được sự là khó, nhưng chịu đựng mọi sự lại càng khó hơn.
5.     Cuối cùng là bạn phải ngạc nhiên: Dầu ma quỉ, thế gian đã dùng đủ cách, nhưng Đức Chúa Giêxu vẫn hoàn thành chương trình cứu rỗi cho con người (Giăng 19:30).
133. Phaolô dạy: VUI MỪNG! Tại sao trong Kinh thánh chỉ thấy Chúa khóc, mà không thấy Chúa cười?
+ Kinh thánh cho chúng ta biết Thiên đàng là nơi Chúa ngự, luôn luôn vui mừng đầy tiếng ca hát (Khải 5:8-14), không có than khóc (Khải 21:4). Nơi Chúa ngự là vui, Chúa là Đấng có đầy sự vui mừng, con cái Chúa cũng vui cho nên việc Chúa khóc là một việc hết sức đặc biệt.
+ Nhưng bạn có biết tại sao Chúa khóc không?
·         Giăng 11:35 Vì Chúa yêu thương một người bạn là Laxarơ và cảm thông sự đau buồn.
·         Luca 19:41 Chúa khóc vì thương thành Giêrusalem, Ngài muốn cứu họ nhưng họ không chịu ăn năn.
Do đó, Kinh thánh không cần ghi Chúa cười, vì Ngài là Nguồn Vui.
134. Tại sao Đức Chúa Giêxu phải chết trên thập tự?
+ Câu hỏi nầy có 2 phần :
1.     Tại sao Đức Chúa Giêxu phải chết?
2.     Tại sao Đức Chúa Giêxu chết trên thập tự?
+ Rôma 6:23 khẳng định: Luật pháp phán quyết tội thì phải chết! Nghĩa là phải lấy cái chết đền tội. Hêbơrơ 9:22 cũng xác nhận: không đổ huyết, thì không có sự tha thứ. Vì vậy, để đền tội cho loài người, Đức Chúa Giêxu phải chết  khi Ngài đang sống (nghĩa là không phải chết già, chết bệnh, chết yểu).
+ Galati 3:13 Cái chết trên thập tự là dành cho những tội nhân gian ác nhất mà giai cấp hèn hạ nhất. Do đó Đức Chúa Giêxu chịu chết trên thập tự để tội nhân dầu tội nặng nhất, người hèn hạ nhất cũng được cứu.
+ Đồng thời, cái chết trên thập tự cũng mang một biểu hiện đặc biệt:
1.     Hoà thuận giữa Trời và người: chiều đứng (Êphêsô 2:16; Côlôse 1:20).
2.     Hòa thuận giữa người và người: chiều ngang (Êphêsô 2:15).
VI. CHÚA TÁI LÂM
135. Những dấu hiệu nào chỉ về Chúa tái lâm có nói đến trong Kinh thánh nhưng chưa được ứng nghiệm?
+ Mathiơ 24:6-14 Đức Chúa Giêxu đã chỉ cho chúng ta những dấu hiệu xảy đến trước khi Chúa tái lâm như: chiến tranh (câu 6), đói kém (câu 7), Hội thánh bị bách hại (câu 9), Hội thánh bị phân rẽ, yếu đuối (câu 10-12), Tin lành giảng khắp đất.
+ Nhìn vào những lời phán của Chúa, chính bạn biết điều nào chưa ứng nghiệm và bạn cũng biết giờ Chúa tái lâm không còn xa nữa và chính vào lúc chúng ta không ngờ.
136. Đức Chúa Giêxu trở lại trước hay sau khi đền thờ Giêrusalem được xây lại? Xin trưng dẫn Kinh thánh.
Trước nhất phải phân biệt một điều: Sự tái lâm của Đức Chúa Giêxu gồm 2 chặng nhưng chỉ một lần. Sự xây đền thờ là vào giữa 2 chặng đó
+ Đaniên 9:27 Kẻ địch lại Đấng Christ lập ước với Isơraên trong 7 năm, 3 năm rưỡi đầu nó sẽ xây lại đền thờ tại Giêrusalem (Êxêchiên 48, Khải.11:1-2).
137. Tin lành đã truyền khắp đất chưa?
+ Vào thế kỷ thứ I, Tin lành khởi sự từ Giêrusalem tiến đến vùng Tiểu Á Tế Á, Phi châu (Êthiôpi).
+ Đến thế kỷ thứ IV (311) với chiếu lệnh của Constantine, Tin lành đã tiến vào toàn thể Aâu châu. Thế kỷ 15 (1492) với sự khám phá ra Tân Thế giới thì Tin lành cũng tràn đến Mỹ châu. Rồi đến thế kỷ 18 Tin lành quay trở lại Đông Á và đang trên đường tiến về mức là biên giới Ấn Độ (Êxơtê 1:1, biên giới đề cập trong Kinh thánh). Tôi tin rằng Tin lành đã truyền khắp đất, nếu còn thì chỉ trong tích tắc.
138. Ai là người sẽ được cất lên khi tiếng kèn chót thổi?
+ I Têsalônica 4:16-17; I Côrinhtô 15:51-52.
Từ ngữ được dùng là CHÚNG TA, nghĩa là những Cơ đốc nhân. Đây là chặng tái lâm nơi không trung và chỉ Cơ đốc nhân được cất lên.
139. Hội thánh sẽ được cất lên trước hay sau 7 năm Đại nạn? Các câu Kinh thánh chứng minh cho điều đó?
+ Hội thánh sẽ được cất lên trước 7 năm Đại nạn, nhưng những người được cất lên phải có điều kiện: CƠ ĐỐC NHÂN ĐANG TỈNH THỨC.
+ I Têsalônica 4:16-17; Mathiơ 25:10; Mác 13:35-37; Mathiơ 24:26-32 và Rôma 11:25 Hội thánh được cất lên để kết thúc thời ân điển.
140. Khi Hội thánh được cất lên, có phải Đức Thánh Linh cũng được cất lên với Hội thánh không? Nếu như vậy, trong Đại nạn, người ta có ăn năn, trở lại với Chúa không? (Vì không còn Đức Thánh Linh để cáo trách tội lỗi).
+ Bạn hiểu lầm sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trong lễ Ngũ tuần và thời đại Hội thánh. Sự giáng lâm đó không có nghĩa là lúc bấy giờ mới có Đức Thánh Linh trên đất; vì trong Cựu ước, Đức Thánh Linh vẫn hiện hữu và làm việc (Sáng 1:2; Thi 51:1) nhưng Ngài không thường trực ở cùng.
+ Điều thứ hai, bạn hiểu lầm trong thời kỳ sau khi Hội thánh được cất lên, công tác truyền giảng vẫn còn nhưng trách nhiệm  đặt nặng về người Do thái (Xachri 8:13, 23; Khải 11: về 2 chứng nhân; Êsai 2:1-3).
+ Điều thứ ba bạn hiểu lầm về Lẽ đạo Ba ngôi vì Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời.
+ Mathiơ 25 và Khải 20:11-15 chứng tỏ vẫn có việc giảng Tin lành trong Đại nạn, vẫn có người tin và được khen. Duy có điều cơ hội sẽ khó khăn vô cùng vì Đức Thánh Linh sẽ không thường trực và ma quỉ sẽ không bị ngăn trở hạn chế như hiện nay.
141. AntiChrist là những thế lực nào?
+ Theo Kinh thánh thì AntiChrist không phải là một thế lực mà là một người (II Têsalônica 2:3-4; Khải 13:1-8) vẽ ra con người của AntiChrist có một quyền rất lớn. Chúng ta có thể ghi nhận vài đặc điểm về AntiChrist:
1.     Nó là một con người.
2.     Đem lại nền hòa bình giả tạo cho thế giới.
3.     Có QUYỀN rất lớn và được cả thế giới thờ phượng, được các thế lực hổ trợ.
4.     Bắt chước các việc làm của Đức Chúa Giêxu Christ.
142. AntiChrist xuất hiện trước hay sau khi Hội thánh được cất lên?
+ Mathiơ 24:11-12 so với 24:23-26 và II Têsalônica 2:1-4 phân biệt 2 lần xuất hiện của AntiChrist:
1.     Mathiơ 24:11-12 xuất hiện kín giấu, để quyến dụ tín đồ.
2.     Math. 24:23-26 xuất hiện hiển nhiên, làm những phép lạ.
+ So với Khải 6:13 cũng vậy :
1.     Khải 6:11 kín giấu, xui giục, ban bình an giả tạo.
2.     Khải 12:13 hiển nhiên, công khai bách hại.
+ Qua I Têsalônica cho chúng ta thấy Hội thánh được cất lên sau lần kín giấu và trước lần hiển nhiên của AntiChrist.
143. Những cuộc phán xét trong ngày Chúa đến?
+ Có 3 cuộc phán xét:
1.     I Côrinhtô 3:12-15 Phán xét Cơ đốc nhân để thưởng, không liên hệ sự cứu rỗi.
2.     Mathiơ 24:29-32; đoạn 25 Phán xét muôn dân có liên hệ dân Do thái và Cơ đố nhân trong 7 năm Đại nạn.
3.     Khải 20:11-15 Phán xét chung thẩm, những kẻ đã chết.
144. Nếu chúng ta được cùng Chúa cai trị trong 1.000 năm bình an, thì sẽ cai trị ai? (Người đã tin hay chưa tin?).
+ Căn cứ vào những câu Kinh thánh đã mô tả về 1.000 năm bình an như sau :
·         Khải 1:7 Mọi người sẽ thấy Chúa Giêxu tái lâm.
·         Khải 16:13-16; 19:19-21; 20:1-3 Mọi người sẽ thấy thế lực của ma quỉ bị hủy phá.
·         Malachi 4:1-3 Isơraên được giải cứu và lập lại.
·         Math. 25:35-40; 42-45, mọi người sẽ thấy sự phán xét.
Do đó số người sống trên đất lúc bấy giờ có thể đều tin Chúa (tin vì nhiều nguyên nhân: Thấy phép lạ, vì quyền lợi . . .). Đức tin nầy được thử nghiệm sau đó (Khải 20:7-8).
145. Kinh thánh có nói chúng ta sẽ sống 1.000 năm bình an, sau đó thì sao?
+ Câu trả lời ở trong Khải 20:7; 21:1 gồm các biến cố sau :
1.     Satan được thả ra, nó đi cám dỗ nhiều người theo nó để chống lại Đức Chúa Trời, bao vây thành thánh.
2.     Lửa từ trời hủy diệt kẻ theo Satan, Satan và đồng bọn bị quăng vào hồ lửa.
3.     Chúa sẽ thiết lập tòa án chung thẩm, xét đoán tất cả.
4.     Chúa lập  TRỜI MỚI ĐẤT MỚI.
146. Dòng dõi cây vả (Mathiơ 24:32) bắt đầu và kết thúc năm nào? Có phải năm 1948 - 1988 không?
+ Bạn không nên căn cứ vào cách giải thích gần giống mà vội ép Kinh thánh theo. Một thế hệ theo cách tính của Kinh thánh thường là 40 năm (hoặc 400 năm: 400 năm nô lệ tại Aicập, 400 năm Quan xét, 400 năm vương quyền, 400 năm yên lặng). Giải Kinh thánh một cách máy móc dễ đưa bạn vào tà giáo, sai lạc. Một sự in trí về Kinh thánh là sự nguy hiểm.
+ Khi tôi viết những lời nầy thì năm 1988 đã đi qua mà không có gì đáng nói đối với dòng dõi cây vả.
+ Mathiơ 24:32 Đức Chúa Giêxu lấy thí dụ để nói đến dấu hiệu Chúa tái lâm. Khi nào thấy sự lập quốc của người Isơraên thì biết Chúa gần đến. Tuyệt nhiên Chúa không nói thời gian là bao lâu, ngày giờ nào? Bạn hãy hết sức bình tỉnh và trung thành với LỜI KINH THÁNH.
147. Những biến cố trong Khải huyền có theo thứ tự thời gian không?
+ Những biến cố đó diễn ra theo thứ tự thời gian, nhưng không gian thì chia ra: trên trời, trong không trung, trên đất, bên dưới đất.
VII. SINH HOẠT HỘI THÁNH
148. Làm thế nào buổi nhóm được ơn phước Chúa? Có phải đi thăm viếng, sốt sắng trong sự hầu việc Chúa, học Kinh thánh hay cầu nguyện không?
+ Bạn phải làm tất cả những điều đó :
1.     Thăm viếng: để nhắc anh em đi nhóm (đông người sẽ vui).
2.     Sốt sắng: chính bạn phải sốt sắng để làm gương.
3.     Học Kinh thánh: để làm nền tảng.
4.     Cầu nguyện: xin Chúa ban phước cho buổi nhóm.
+ Chương trình nhóm phải sửa soạn cẩn thận, thích hợp lứa tuổi và đáp ứng nhu cần.
149. Tại sao trong Hội thánh không có SỰ HIỆP MỘT TRONG CHÚA?
+ Sự HIỆP MỘT bao giờ cũng là sức mạnh của Hội thánh (Mathiơ 18:19-20). Do đó ma quỉ sẽ tìm cách xen vào phá vỡ sự HIỆP MỘT đó. Tuy nhiên ma quỉ sẽ không làm sao xen vào được, nếu Cơ đốc nhân trong Hội thánh không tạo cơ hội cho nó (I Phierơ 5:8).
+ Vấn đề là tại sao bạn biết không có sự hiệp một trong Hội thánh? Có thể chính bạn là người gây ra tình trạng đó (?). Ngay cả tinh thần không góp phần đem lại sự hòa thuận cho anh em (?). Chính bạn phải bày tỏ sự hiệp một với anh em trước, rồi mới chờ đợi người khác.

Đăng nhận xét

[blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.